Sản phẩm nổi bật

Các sản phẩm của chúng tôi đa dạng về màu sắc cũng như chất liệu đá , nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu trang trí của khách hàng , mang đến sự hài lòng tốt nhất cho khách hàng

Tin tức

Phiến đá thiêng trong chùa Trường Sa

Ngày đăng : 28.06.2014 04:49:53 PM

Trong những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa thì chùa Trường Sa lớn là bề thế nhất. Chùa gỗ, tường gạch, vữa bê-tông. Trước Tam bảo có đôi câu đối mang sắc thái biển đảo, giáo hóa cả kình ngư: “Rồng nghe kinh mà ngộ đạo/ Cá đọc kệ được thành tiên”.

Trong chùa có bộ tượng Phật bằng đá quý, mang một vẻ đẹp đường bệ và trang nhã. Bên ngoài, phía trái sân chùa có pho tượng Phật ngọc Quán Thế Âm Bồ Tát ngự dưới vòm mái ngói lam hình ngũ giác. Phía sau chùa có một thư viện, gồm hai kệ sách khá lớn. Hầu như tất cả những bộ Kinh Phật và sách liên quan đến Đức Phật đều có ở đây. Trong thư viện kê hai bộ tràng kỉ bằng gỗ sơn màu gụ, là nơi tiếp khách của nhà chùa. Sư Thích Giác Nghĩa từng tốt nghiệp đại học Phật giáo, trụ trì ở chùa này từ năm 2010. Vào thời điểm chúng tôi đến đảo đầu tháng 5/2014, sư Nghĩa đang chuẩn bị bàn giao cho một sư trẻ hơn kế nhiệm, còn ngài sẽ trở về đất liền. Ngài nói rằng, với ba năm trụ trì chùa Trường Sa lớn, có quá nhiều kỉ niệm khó quên. Thực tâm ngài muốn trụ trì ở đây lâu dài, nhưng do sự phân công của Giáo hội, ngài phải chấp hành.

Khi chúng tôi đến vãn cảnh chùa và lễ Phật, sư Thích Giác Nghĩa tặng mỗi người trong đoàn một cái vòng tràng hạt đeo tay các màu những mong chúng tôi mang bên người, như khi nào cũng có Đức Phật ở bên, để sống sao cho đúng tinh thần đạo Phật. Khi mọi người đã trở về hội trường chuẩn bị cho buổi họp mặt giữa đoàn chúng tôi với đơn vị bộ đội Hải quân, tôi còn nán lại một lát trò chuyện cùng sư.

- Bạch thầy! Ngôi chùa rất bề thế, thư viện có nhiều sách quý, phòng khách khang trang, chắc là khách đến thăm viếng và vãn cảnh  nhiều lắm?

- Phải, đoàn khách nào ra Trường Sa cũng ghé thăm chùa!

- Bạch thầy! Nhà chùa đã tiếp khách ngoại quốc lần nào chưa?
 
 Ngôi chùa Song Tử Tây.

- Cũng đã đôi ba lần. Đó là những vị khách có vị trí đặc biệt mang tầm quốc tế. Gần đây nhất là một nhà báo. Ông ta đến vãn cảnh chùa một lát rồi hỏi tôi: “Thưa ngài, ngài ra đảo Trường Sa làm gì?”. Tôi đáp: “Mô Phật! Thưa ông nhà báo, người Việt Nam chúng tôi rất đông người theo đạo Phật. Ở đâu có người Việt Nam sinh sống thì ở đó có chùa. Đã có chùa thì khắc có giới tu hành chúng tôi hành đạo”. Nhà báo nọ gật gù tỏ vẻ thụ lí, nhưng ông ta lại hỏi tiếp: “Vậy ngài có thể cho biết công việc cụ thể  hằng ngày của ngài ở đây là gì không?”. Tôi đáp: “Mô Phật! Thưa ông nhà báo, mời ông hãy đến đây, rồi dẫn ông ta đến trước Tam bảo, chỉ tay xuống một phiến đá dưới chân, hỏi: – Ông thấy phiến đá này có gì khác với những phiến đá còn lại không?”. Ông ta soi cặp kính xuống phiến đá một lát rồi đáp: “Nó nhẵn hơn những phiến đá khác”. Tôi cười phá lên, thừa nhận: “Ông nhà báo quả là tinh tường. Cùng một khuôn khổ và cùng một màu đen như nhau, nhưng quả là phiến đá này nhẵn hơn”.

Tôi đưa tay nhấc cuốn Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (thường gọi tắt là Kinh Pháp Hoa) từ trên Tam bảo dâng lên trước mắt ông nhà báo, nói tiếp: “Đây là một trong những bộ Kinh quan trọng nhất của đạo Phật. Cứ mỗi lời tụng, tôi lại phải quỳ một lần. Tụng xong bộ Kinh phải mất sáu tháng. Bây giờ thì nhà báo đã hiểu vì sao phiến đá tôi vẫn quỳ nhẵn hơn những phiến đá khác, đúng không?”. Ông nhà báo kia không vặn vẹo gì nữa, tỏ vẻ chân thành, ông ta nói: “Bây giờ thì tôi đã hiểu ngài. Ngài ra đây tu hành chứ không phải hoạt động chính trị…”. “Phải, tôi ra đây để hoằng dương Phật pháp, giáo hóa và vỗ về dân chúng cùng bộ đội để họ biết sống an nhiên tự tại ngay cả khi hòn đảo phải đón nhận phong ba bão tố, đối mặt với giặc giã!”.

- Đấy là nhà báo nước ngoài họ chưa hiểu thì họ muốn hiểu, cũng là lẽ bình thường – sư Thích Giác Nghĩa nói tiếp – Nhưng ngay trong giới sĩ quan cao cấp của ta cũng có ông hỏi những câu rất kì. Cách đây chưa lâu, có một ông Thiếu tướng từ Hà Nội ra đây hỏi tôi thế này: “Sư đã được học bắn súng chưa?”. Nghe hỏi vậy, tôi bật cười phá lên. Một cái cười vượt quá ranh giới quy phạm của một nhà sư. Hết tràng cười, tôi nhẹ nhàng hỏi lại ông Thiếu tướng: “Giới tu hành chúng tôi có cần thiết phải làm việc đó không?”. Ông Thiếu tướng liền hỏi: “Vậy giả sử quân giặc ngoại bang đến đây, nó chĩa súng vào sư thì sư phải làm thế nào?”. Tôi đáp: “Tôi sẽ một tay cầm lá cờ Tổ quốc Việt Nam, một tay cầm cờ của nhà Phật giơ lên và nói với chúng rằng, hòn đảo này là một phần máu thịt của một đất nước có chủ quyền, có đạo lí! Nếu nó bắn tôi thì đích thị đó là quân vô đạo. Mà đã là quân vô đạo thì việc gì chúng cũng có thể làm kể cả những việc tệ hại nhất…”. Ông Thiếu tướng chừng như đã ngộ ra một điều gì đó từ những lời của tôi. Không tranh cãi thêm nữa, ông thắp một nén nhang lên Tam bảo, chắp hai tay khấn Phật rồi cáo lui.

Thấy tôi cứ nhìn chăm chăm vào cuốn Kinh Pháp Hoa, sư Thích Giác Nghĩa như “đọc” được ý nghĩ của tôi. Ngài hỏi:
- Anh có vẻ muốn có cuốn kinh Phật này, đúng không?
- Bạch thầy, quả có thế thật! Tôi nói.
- Thế thì tôi xin tặng anh. Những người thực tâm muốn đọc sách Phật thì tôi sẽ tặng và lấy làm vui sướng hạnh ngộ khi được tặng!
Nói rồi sư Thích Giác Nghĩa nâng cuốn Kinh dày cộp trao tặng tôi.

Bút kí của Lê Hoài Nam